Tên gọi Chùa_Dàn

Tên chữ của chùa là Trí Quả tự (chữ Hán:智果寺) trùng với tên của xã Trí Quả. Tuy nhiên tên chùa có lẽ đã tồn tại từ trước tên xã. Trong sách Thiền uyển tập anh đã nói đến vị thiền sư tu tại chùa này từ đời nhà Lý:

Thiền sư Thiền Nham (1093-1163)

Chùa Trí Quả, làng Cổ Châu, Long Biên. Người Cổ Châu, họ Khương, tên Thông.(...)

Trong khoảng Hội Phong (1092 -1100), Sư ứng thí kinh Pháp hoaBát nhã tại điện vua, đều trúng Giáp khoa. Sau nhờ một lời của Pháp Y, chùa Thành Đạo mà được ấn khả, Sư nhân thế xuất gia. Lúc đầu, Sư đến ở chùa Thiên Phúc, núi Tiên Du, giới hạnh tinh nghiêm, đạo tâm rộng lớn, ăn lá cây uống nước suối, trải đến sáu sương. Sau đó, Sư trở về làng mình, trùng tu lại chùa Trí Quả mà trụ trì. Trong khoảng Đại Thuận (1128-1132), trời hạn. Vua mời Sư đến kinh cầu mưa thì tức có hiệu nghiệm. Vua phái làm danh tăng, ban cho áo ngự. Mỗi khi nhà nước có cầu đảo, Sư đều làm chủ.

— Thiền uyển tập anh, Quyển hạ, Thiền sư Thiền Nham[1]

Chùa thường được gọi là chùa Dàn, gọi tắt từ chùa Dàn Câu theo tên nôm của làng Phương Quan (làng Dàn Câu). Tuy nhiên cách chùa khoảng 800m, cùng xã Trí Quả, có một ngôi chùa nữa tại thôn Xuân Quan (làng Dàn Chợ) cũng tên là chùa Dàn nên chùa được gọi là Chùa Dàn Phương Quan hay Chùa Phương Quan để phân biệt. Chùa nằm ngay cạnh đình làng Dàn Câu nên cũng gọi chung là cụm đình - chùa Dàn.